Rêu hại trong hồ thủy sinh
Rêu hại trong hồ thủy sinh luôn là nổi ám ảnh cho bất kỳ người nào , để tiêu diệt hết rêu hại giúp hồ thủy sinh đẹp hơn không đơn giản
Chào các bạn !
Hôm nay thủy sinh Đất Việt xin chia sẻ ít kinh nghiệm về vấn đề rêu hại trong hồ thủy sinh . Kinh nghiệm của mình được tổng hợp bằng trải nghiệm bản thân lâu nay và cũng nhờ những anh em chia sẻ trên diễn đàn , do đó mình cũng muốn tổng hợp lại cho mọi người , hy vọng bài viết dưới đây có ích cho mọi người .
Với bất kỳ người nào chơi hồ thủy sinh nào thì rêu hại là vấn đề nan giải nhất , thậm chí những người chơi thủy sinh lâu năm giàu kinh nghiệm cũng hay gặp chúng . Và thật sự mà nói thì rêu hại trở thành kẻ thù số 1 cho bất kỳ hồ thủy sinh nào . Trong tiếng Anh rêu hại được gọi là Algaes – những vi sinh vật có khả năng quang hợp. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự xuất hiện rêu hại ?
Hình hồ thủy sinh bị rêu hại
Nguyên nhân chính của việc bùng phát rêu hại chính là sự mất cân bằng trong hồ thủy sinh . Khi hồ thủy sinh bị mất cân bằng vì 1 lý do nào đó, rêu hại sẽ xuất hiện để hấp thụ lượng năng lượng dư thừa, khi hấp thụ hết nó sẽ tự động biến mất . Ví dụ khi bạn trồng những cây cần ít ánh sáng như ráy , rêu , dương xỉ hoặc những cây phát triển chậm như bucep mà lại cung cấp quá nhiều năng lượng từ đèn thì dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng , mất cân bằng này sẻ được rêu hại xuất hiện để hấp thụ . Khi trồng nhiều cây hấp thụ ánh sáng cao hoặc giảm ánh sáng thì rêu hại sẻ dần biến mất vì môi trường này đã hết lượng thức ăn cho chúng .
Vậy những nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng trong hồ thủy sinh là gi ?
I. Các nguyên nhân gây mất cân bằng sinh ra rêu hại hồ thủy sinh :
1. Ánh sáng :
Nguyên nhân đầu tiên là ánh sáng , việc đưa ánh sáng nhiều hay ít cũng cực kỳ quan trọng . Khi bạn trồng bất kỳ loài cây nào cũng nên để ý đến nhu cầu ánh sáng của chúng và cũng nên để ý đến thời gian bật ánh sáng . Ánh sáng dư thừa rất dễ phát sinh rêu hại , còn ánh sáng ít sẻ làm cây phát triển không tốt . Vậy ánh sáng như thế nào gọi là đủ ?
Bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết ánh sáng trong hồ thủy sinh tại link bên dưới (nhấp vào dòng chữ lớn sẻ ra bài tin tức)
2. Vi sinh :
Hệ vi sinh chưa ổn định cũng là nguyên nhân dẫn đến rêu hại cho hồ thủy sinh . Nếu bạn để ý thì những hồ thủy sinh mới làm hay bị rêu hại . Mọi người thường nghỉ do hồ mới làm nên dinh dưỡng dư thừa gây ra rêu , nhưng đó chỉ là một phần nhỏ . Nếu hồ bạn vừa làm, dùng lại phân nền cũ đã hết dinh dưỡng thì thời gian đầu vẫn có nhiều khả năng bị rêu hại tấn công. Đa số các chất dinh dưỡng trong nước phải được vi sinh chuyển hóa rồi cây cối mới hấp thụ tốt được, và khi thiếu hệ vi sinh làm việc hiệu quả thì các chất này sẽ được rêu hại hấp thu tốt hơn.
Chính vì vậy tôi thường khuyên các bạn nếu có lật hồ làm lại thì nên giữ lại toàn bộ lọc , trong vật liệu lọc có hệ vi sinh cũ , góp phần rất tốt để cân bằng dinh dưỡng .
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết về vi sinh trong hồ thủy sinh để hiểu rõ chúng làm việc như thế nào (nhấp vào dòng chữ lớn sẻ ra bài tin tức)
Hồ thủy sinh có hệ vi sinh tốt sẻ ngăn được rêu hại
3. Tạp chất hữu cơ trong nước
Các tạp chất hữu cơ này có trong nền, phân cá tép, thức ăn thừa, xác cá tép, lá cây chết phân hủy, kim loại nặng, nh3… Đa số những chât hữu cơ này đều được cây hấp thụ rất nhanh, nhưng nếu chúng quá nhiều , cây hấp thụ dinh dưỡng không hết cộng thêm hệ vi sinh quá tải mà bạn lại ít thay nước thì chắc chắn dẫn đến tình trạng rêu hại bùng phát . Thông thường người ta hay gọi là hồ quá dơ
4. Mất cân bằng dinh dưỡng
Mất cân bằng dinh dưỡng ở đây là hồ thiếu Carbon , oxy , đa lượng , vi lượng hoặc chất gì đó làm cây không đủ dinh dưỡng và yếu dần . Hoặc do cây thiếu bất kỳ chất nào đó mà ngừng hấp thụ mấy chất khác . Cây yếu , lá yếu sẻ trở thành giá thể tốt cho rêu hại .
Mất cân bằng dinh dưỡng cũng có thể là do bạn châm quá nhiều phân nước , đặc biệt là sắt và vi lượng . Dư thừa dinh dưỡng cũng là nguyên nhân hàng đầu cho rêu hại phát triển trong hồ thủy sinh
5. Nhiệt độ
Đây cũng là nguyên nhân khá bất ngờ mà nhiều người không nghỉ tới , kể cả tôi chơi thủy sinh lâu năm cũng không ngờ được . Nhưng đúng là vậy , nếu hồ thủy sinh bạn nhiệt độ quá cao (trên 30 độ C) thì cây cũng sẻ bị yếu và hút dinh dưỡng kém , gây mất cân bằng dinh dưỡng và dẫn đến tình trạng trên .
II. Các loại rêu hại trong hồ thủy sinh thường gặp và cách phòng chống :
Đầu tiên tôi sẻ liệt kê danh sách các loại rêu hại trong hồ thủy sinh , nếu bạn đang gặp rêu nào thì có thể coi trực tiếp chúng theo số thứ tự cho dễ .
1. Rêu nước xanh - Green Water (Euglaena)
2. Rêu nhớt xanh – Blue Green (Cyanobacteria)
3. Tảo nâu – Brown Algae (Diatoms)
4. Rêu đốm xanh -Green Spot (Choleochaete orbicularis)
5. Rêu tóc, rêu chỉ - Hair/Thread Algae
6. Rêu chùm – Cladophora
7. Rêu chùm đen – Black Brush/Beard (Rhodophyta)
8. Rêu sừng hưu – Staghorn (Compsopogon sp.)
9. Rêu bụi xanh – Green Dust Algae (GDA)
10. Rêu xoăn – Fuzz Algae
11. Rêu tóc đen - Black hair algae
Bây giờ sẻ đi vào chi tiết từng loại rêu hại , nguyên nhân , cách phòng chống chúng .
1. Rêu nước xanh - Green Water (Euglaena)
Đây là loại rêu rất dễ bắt gặp với bất kỳ người chơi cá nào . Nhất là những hồ nước để ngoài trời như nuôi cá Koi , cá chép , hay hòn non bộ … và chúng cũng hay xuất hiện ở hồ thủy sinh , rêu nước xanh không gây hại cho cá và cây thủy sinh nhưng chúng lại gây mất mỹ quan khiến người chơi rất khó chịu
Nguyên nhân :
- Ánh sáng quá nhiều , nhất là bị ánh sáng mặt trời chiếu nhiều
- Hồ mới set up chưa ổn định hệ vi sinh
- Dư thừa dinh dưỡng lại thiếu CO2
- Hồ bị xáo trộn nền
Phòng chống :
- Hạn chế ánh sáng mặt trời
- Thay nước thường xuyên
- Dùng đèn UV khoản 2-3 ngày là hết
- Giảm bớt ánh sáng , tối ưu CO2
- Tắt đèn , chùm kín hồ trong 4-5 ngày ( không khuyến khích)
- Oxy già và Cidex cũng hiệu quả với rêu nước xanh
Rêu nước xanh - rêu hại làm mất mỹ quang hồ thủy sinh
2. Rêu nhớt xanh – Blue Green (Cyanobacteria) - Blue Green Algae
Rêu nhớt xanh thật chất chúng là loài vi khuẩn và có tên là vi khuẩn lam (Cyanobacteria, đã từng bị gọi sai là tảo lam) , loài vi khuẩn này có khả năng quang hợp và hấp thụ cả dinh dưỡng trong nước vì vậy thay nước nhiều không có tác dụng với nó . Thường có màu xanh , đen hoặc tím , nhưng đặc biệt là chúng có mùi như đất khi bị gỡ ra khỏi hồ, chúng sẽ hấp thụ toàn bộ khí Ni tơ trong nước của bạn .
Nguyên nhân :
- Hồ dơ , nhiều chất hữu cơ trong nước, thường thì do bị thức ăn dư thừa nhiều, đôi khi cá chết hoặc cây thối cũng gây ra tình trạng rêu nhớt xanh xuất hiện
- Lượng No3 quá thấp
- Po4 quá cao
- Thiếu co2
- Hệ vi sinh có vấn đề
Phòng chóng :
- Thay nước kết hợp với tăng No3 lên 5-10 ppm
- Nếu test thấy po4 cao nên thay nước nhiều
- Bớt lượng thức ăn dư thừa lại
- Cidex, excel cũng hiệu quả
- Nếu trường hợp quá nặng bạn có thể mua thuốc kháng sinh erythromycin loại 500mg cho 50 lít nước , thả trực tiếp vào chỗ bị rêu nhớt xanh , chúng sẻ chết từ từ chỉ sau 2-3 ngày . Tuy nhiên nó cũng ảnh hưởng đến hệ vi sinh nên cẩn thận liều lượng
Rêu nhớt xanh là loại rêu hại bùng phát lẹ trong hồ thủy sinh
3. Tảo nâu – Brown Algae (Diatoms)
Tảo nâu này là khuẩn diatoms , chúng có màu nâu hơi nhớt thường bám trên lá cây , đá , hoặc các vật cứng khác . Chúng xuất hiện lẹ và bùng phát rất nhanh khắp hồ thủy sinh .
Nguyên nhân :
- Hồ mới set up chưa ổn định , dư dinh dưỡng trong hồ và hệ vi sinh chưa ổn định khiến tảo nâu bùng phát . Nói chính xác hơn tảo nâu xuất hiện là do lượng silicon dioxide –Sio2, chất có trong đa số nền gây ra, khi hồ chưa có hệ vi sinh ổn định thì tảo nâu sẽ lợi dụng lúc hàm lượng Sio2 cao bùng phát.
- Hồ dơ , lâu ngày không thay nước dẫn đến tình trạng co2 và dinh dưỡng mất cân bằng
Phòng chống :
- Cố gắng thay nước nhiều trong 1-2 tuần đầu mới set up hồ , ít nhất là cách 1-2 ngày thay 1 lần , mỗi lần 30 – 50%
- Thả các con vật vệ sinh : cá otto , cá nô lệ , tỳ bà bướm , tép yamato , tép màu ….
- Khuẩn diatoms rất dễ diệt bằng oxi già, cidex hay excel
Tảo nâu - loài rêu hại sẻ xuất hiện khi hồ bạn dơ
4. Rêu đốm xanh -Green Spot (Choleochaete orbicularis)
Loại rêu hại này thường bám trên mặt kính hồ thủy sinh và các lá cây , chúng có hình đóm tròn màu xanh
Nguyên nhân:
- Với lượng ánh sáng nhiều và không đủ Po4 hoặc Co2 thì GSA chắc chắn sẽ xuất hiện.
- Dòng chảy yếu, không đưa co2 khắp hồ được.
Phòng chống :
- Tăng lượng Po4 bằng phân nước, phân khô có chứa po4 (lên cỡ 0.5 – 1 ppm)
- Tăng dòng chảy lọc
- Tăng lượng co2 lên tối ưu
- Sử dụng ốc Nerita , loài ốc này rất thích ăn rêu đốm xanh
Rêu hại đốm xanh thường bám kính hồ thủy sinh
5. Rêu tóc, rêu chỉ - Hair/Thread Algae - Green Hair Algae
Rêu tóc là loại rêu hại có hình dáng như sợi nhỏ dài, chúng mọc xen lẫn giữa các rêu và cây thủy sinh khác trong hồ. Loại rêu này bùng phát khá nhanh , những hồ có nhiều ánh sáng và mất cân bằng dinh dưỡng thường xuất hiện loại rêu này
Nguyên nhân :
- Hồ mới set, hệ vi sinh chưa ổn định
- Quá nhiều đèn, nhưng co2 lại không đủ
- Lượng FE trong nước cao, nhưng không đủ co2 cho cây hấp thụ
- Tạp chât hữu cơ trong nước cao
Phòng chống :
- Nếu hồ mới set, nên trồng nhiều cây, ánh sáng nên bật 4-5 tiếng / ngày rồi tăng dần 30 phút hàng tuần cho đến khi đạt 8 tiếng
- Hạn chế châm phân nước nhiều FE trong thời gian đầu
- Tối ưu lượng co2, rêu tóc xanh sẽ biến mất rất nhanh
- Nếu không quản lý tốt dinh dưỡng và co2 thì có thể giảm đèn và thay nước nhiều
- Một số loài cá tép có thể hạn chế rêu tóc xanh như cá bút chì, nô lệ, otto, tép Amano…
- Excel và Cidex có thể trị được rêu tóc xanh
Rêu hại tóc xanh còn được dân chơi hồ thủy sinh gọi là rêu chỉ xanh
6. Rêu chùm – Cladophora
Nhìn sơ thì nó khá giống rêu tóc , nhưng loại rêu này lại cứng đầu hơn nhiều và rất khó trị . Khi nó xuất hiện thì việc cân bằng dinh dưỡng không làm nó chết đi .
Nguyên nhân :
- Do mất cân bằng dinh dưỡng
- Phần lớn do lây nhiễm từ cây cối của người khác
Phòng chống :
- Hạn chế cho cây nhiễm rêu chùm vào hồ
- Oxi già và cidex ,excel cũng hiệu quả
- Tối ưu Co2 có thể gây ức chế và tiêu diệt rêu chùm
Loại rêu hại này mọc thành chùm trong một góc hồ thủy sinh
7. Rêu chùm đen – Black Brush/Beard (Rhodophyta)
Một trong những loại rêu hại cực kỳ khó chịu nhất trong hồ thủy sinh đó là rêu chùm đen , rêu chùm đen có màu đen, đỏ, xám, hoặc nâu, chúng bùng phát rất lẹ và chỉ thời gian ngắn phủ kín hết hồ bạn .
Nguyên nhân :
- Hồ ít thay nước , dư thừa thức ăn , và chất hữu cơ trong hồ nhiều
- Hồ thiếu hụt sắt
- Lượng co2 thấp hoặc dòng chảy đưa co2 yếu, đây là nguyên nhân thông dụng nhất
- Rêu chùm đen thường xuất hiện ở hồ có pH thấp . Vì vậy đo độ pH thường xuyên cũng rất hữu ích
- Lá già yếu, lá bị che sáng cũng dễ bị rêu chùm đen tấn công
Phòng chống :
- Quan trọng nhất là CO2 : tối ưu CO2 , tăng khả năng phát triển của cây , hấp thụ dinh dưỡng trong hồ thì từ từ chúng sẻ biến mất
- Cân bằng dinh dưỡng – ánh sáng và co2, đừng để cây bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc co2 không ổn định
- Nhớ thay nước, bảo dưỡng hồ định kì
- Thay nước , bảo dưỡng hồ định kỳ sẻ làm rêu chùm đen biến mất
Hình ảnh rêu hại chùm đen bám trong hồ thủy sinh
8. Rêu sừng hưu – Staghorn (Compsopogon sp.)
Rêu sừng hưu rất dễ trị , hình dáng mãnh khảnh như rêu tóc và nhìn như sừng hưu . Chúng thường tập trung một chỗ nên cũng ít bùng phát khắp nơi .
Nguyên nhân :
- Thiếu Co2
- Dư ánh sáng
Phòng chống :
- Thả tép Yamato
- Tối ưu CO2 , cân bằng ánh sáng và dinh dưỡng
- Gỡ bằng tay
- Kết hợp Oxi già và excel / cidex để trị rêu sừng hươu cứng đầu
Hình ảnh rêu hại này như sừng hưu trong hồ thủy sinh
9. Rêu bụi xanh – Green Dust Algae (GDA)
Một loại rêu hại khó chịu gây mất mỹ quang cho hồ thủy sinh , rêu bụi xanh hay bám lên kính dày đặt và bùng phát bám lên lá cây , thân cây , nền , vật liệu lọc … làm nước chuyển sang màu xanh . Thay nước không hiệu quả vì chúng phát triển rất nhanh .
Nguyên nhân :
- Dư thừa Nh2 kết hợp với ánh sáng cao
- Những hồ pH trên 6.5 mà bị GDA thì đa số là ít thay nước hoặc thiếu co2
- Những hồ pH thấp từ 6 trở xuống thì nguyên nhân là nước quá mềm và dư thừa Nh2
- Khi bạn tăng ánh sáng quá đột ngột cũng gây bùng phát GDA
Phòng chống :
Tăng co2 tối ưu, kết hợp thay nước để giảm nh2
- Nếu co2 tốt, nhưng pH thấp thì dùng baking soda tăng pH lên 6.5 – 7
- Nếu tăng đèn thì nhớ tăng dần dần, đừng tăng quá đột ngột
- Giảm đèn
- 1 số loại cá tép cũng diệt GDA hiệu quả
- Oxi già và đèn UV rất hiệu quả với GDA
Thả ốc nerita vào hồ thủy sinh sẻ hết sạch rêu hại bụi xanh
10. Rêu xoăn – rêu lông tơ - Fuzz Algae
Rêu xoăn hay còn gọi là rêu lông tơ giống như rêu tóc mini , thường xuất hiện trên rìa lá cây , trên mặt kính . Chiều dài chúng khoản 2-3 cm , thường xuất hiện trong hồ nhiều sáng .
Nguyên nhân :
- Lượng ánh sáng cao nhưng thiếu Co2 gây mất cân bằng dinh dưỡng
Phòng chống :
- Giảm lượng ánh sáng
- Tối ưu CO2
- Cân bằng dinh dưỡng trong hồ
- Sử dụng động vật ăn rêu hại: Tép RC, Tép Amano, Ottos, cá mún, cá molly, cá bút chì và một vài loài cá plecos.
Rêu hại xoăn ở hồ thủy sinh còn gọi là rêu lông tơ
11. Rêu tóc đen - Black hair algae
Loại rêu tóc này thường có màu đen, tối hoặc xám. Thường xuất hiện cỡ cạnh lá cây, nền hoặc cả ống in out. Rêu tóc đen hay xuất hiện ở hồ mới set.
Nguyên nhân :
- Hệ vi sinh và dinh dưỡng chưa ổn định
- Mất cân bằng dinh dưỡng – CO2
Phòng chống :
- Thay nước mỗi tuần
- Thả tép Yamato
- Tối ưu lượng Co2
Rêu tóc đen trong hồ thủy sinh là loài rêu hại khó trị bật nhất
Như các bạn thấy, bất kỳ loại rêu hại trong hồ thủy sinh nào đều có cách trị và phòng chống . Tuy nhiên người ta nói phòng cháy hơn chữa cháy . Vì vậy cách tốt nhất để phòng chống bất kỳ rêu hại nào thì hãy chăm sóc hồ thủy sinh ngay từ ban đầu với những việc cụ thể sau đây :
1. Mới setup hồ thủy sinh
- Chọn nguồn cây tốt , không dính rêu hại
- Tối ưu Co2 , đo lường ánh sáng và dinh dưỡng chuẩn
- Thay nước cách 1-2 ngày / lần với 30-50% , làm liên tục 2-4 tuần
- Tạo hệ vi sinh tốt : hệ thống lọc tốt , nhiều vật liệu lọc cho nơi vi sinh phát triển , cung cấp men vi sinh (nếu cần)
- Canh nhiệt độ nước dưới 30 độ
- Thả các sinh vật có khả năng diệt rêu hại : ốc nerita , tép yamato , cá otto ….
2. Sau thời gian đầu setup
- Bảo dưỡng định kỳ , thay nước mỗi tuần 1 lần với 30-50% nước
- giặt / thay bông lọc nếu quá dơ
- Thay bóng đèn định kỳ để đảm bảo ánh sáng tốt , thường bóng T8 và T5 là 6 tháng / lần
- Kiểm tra dinh dưỡng và nhiệt độ
Hãy ngăn ngừa rêu hại trong hồ thủy sinh ngay từ đầu
Tuy bài viết khá dài , nhưng hy vọng rêu hại không còn là nỗi ám ảnh cho bất kỳ người chơi hồ thủy sinh nào . Mọi chị tiết hoặc có thêm kinh nghiệm vui lòng comment chia sẻ với Thủy Sinh Đất Việt , nếu thông tin của bạn có ích chắc chắn mọi người sẻ được biết đến . Xin cảm ơn
Nguồn tham khảo : thuysinhasin.com , thuysinhaz , diễn đàn
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Xem nhiều tin tức hay sản phẩm được cập nhật mỗi ngày vào đây nhé...